Điện giật hoại tử các ngón tay do tắm máy nước nóng
BS.CKII. Ngô Đức Hiệp, Khoa Bỏng - Phẫu thuật tạo hình Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy TP.HCM, cho biết vừa thực hiện ca phẫu thuật cắt bỏ ngón tay số 4 và 5 cho bệnh nhân Huỳnh Văn Cương, 21 tuổi, ngụ tại TP.HCM, là sinh viên đại học, bị điện giật trong khi tắm bằng máy nước nóng.
Theo BS. Hiệp, đây là trường hợp rất may mắn vì còn giữ được mạng sống của bệnh nhân. Tuy nhiên, do bàn tay cầm trực tiếp vòi tắm nên bị hoại tử hoàn toàn hai ngón số 4, 5, phải tháo bỏ khớp. Riêng ngón số 3, bác sĩ đã cố gắng cắt lọc bỏ phần da hoại tử và tiến hành ghép lại da để bảo đảm về thẩm mỹ nhưng không thể cử động như bình thường vì đã mất gân.
Trên thực tế, tai nạn điện giật khi tắm nước nóng vẫn thỉnh thoảng xảy ra. Theo khuyến cáo của các chuyên gia, với máy nước nóng gián tiếp, an toàn nhất là bật máy trước 10 - 15 phút, sau đó tắt công tắc máy rồi mới vào tắm.
Đối với máy nước nóng trực tiếp, thường xuyên kiểm tra CP chống giật (nhấn nút test trên máy, nếu nguồn điện bị ngắt thì CP còn hoạt động tốt) hoặc có thể áp dụng biện pháp nối vỏ máy nước nóng đến mặt đất để khi dòng điện bị rò rỉ sẽ đi vào đất làm giảm nguy hiểm khi bị điện giật.
Biện pháp này tuy không tốn kém nhiều nhưng phải do người có chuyên môn thực hiện mới bảo đảm.
Ngoài ra, người sử dụng máy nước nóng trực tiếp có thể cách ly hoàn toàn với dòng điện bằng cách gắn thêm bồn chứa giống như máy nước nóng gián tiếp. Sau khi cho máy hoạt động, nước nóng vừa đủ xài thì tắt máy.